Căn bệnh nguy hiểm nhất cho cá Koi (tập 2)

Author:

Category:

spot_img

KOI HÀNH KÝ

BÍ KÍP 3: CĂN BỆNH NGUY HIỂM NHẤT CHO CÁ KOI (tập 2)

( “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, hôm nay các sếp đi họp nên tôi xin viết tiếp phần còn dang dở)

1. Thiết kế, quản lý và vận hành hệ thống hồ cá Koi.

2. Xem thường hệ thống dự phòng, hệ thống cách ly, tủ thuốc gia đình.

3. Quản lý chất lượng nước

4. Chọn mua cá, vận chuyển cá, thả cá mới

Đối với việc chọn mua cá Koi, một thú chơi tốn kém, đương nhiên phải chọn mặt gửi vàng, đều đó Koi Kichi nào cũng rõ. Nhưng cũng đừng vì thấy tốn kém mà lựa chọn nhà cung cấp có giá thấp, nên nhớ giá cả thường đi đôi với chất lượng (Bản thân tôi cũng mua cá Koi phù hợp với khả năng của tôi, chứ không phải thấy rẻ là mua, :)) và thói quen là thích inbox). Thông thường, với người mới dấng thân vào con đường cá Koi nhập khẩu, bạn nên chọn mua cá thanh lý từ những người cùng sở thích, bởi vì con cá Koi đó được đảm bảo về khả năng thích nghi với môi trường nuôi dưỡng, thức ăn, khí hậu  mang tính chất Việt Nam và hơn hết là giá cả thương lượng, và chấp nhận được.

Nếu chọn mua tosai, bạn nên nắm rõ được thời điểm vụ cá tosai tại các trại cá của Nhật, mua đúng thời điểm đó, chất lượng cá thường tốt, giá thành đảm bảo. Và quan trọng hơn hết là không vội vàng gì cả. Bạn nên đi chọn mua cá vào buổi sáng, vì lúc đó thời tiết mát mẻ, cá được nghỉ dưỡng sau một đêm, 😀 và ít bị người khác vọc, bắt lên thả xuống. Việc này đảm bảo cho quá trình chọn mua, vận chuyển cá về nhà, cá không bị stress.

Như đã nói ở trên việc xem thường hệ thống dự phòng, hệ thống cách ly, tủ thuốc gia đình sẽ dẫn đến hệ quả, khi cá mới về nhà, bạn sẽ còn một lựa chọn duy nhất là thả cá thẳng vào hồ chính. Cho dù bạn có thực hiện đủ các quy trình thả cá, hồ cá của bạn ít nhiều sẽ bị gián đoạn, xáo trộn trong một thời gian, nhiều khi bản thân bạn cũng sẽ bị stress theo. Nuôi cá Koi là một thú vui để thư giãn, đừng để bản thân bị động, vất vả vì nó.

Cách chọn cá như thế nào, và quy trình thả cá mới ra sao, cái này tôi rất mong các bậc tiền bối sẽ chia sẻ với anh em trong thời gian tới, riêng cá nhân tôi, vẫn chọn phương án an toàn, thả hồ cách ly theo dõi 10 ngày nữa tháng, khi nào hết biểu hiện ngáo đá thì sẽ cho hòa nhập cộng đồng.

5. Cho cá ăn, chơi đùa với cá, vệ sinh hệ thống lọc

Sau khi đầu tư cho mình một hồ cá Koi, đi sắm sửa đủ các loại phụ kiện, đi chọn mua cá vất vả, giờ đã đến lúc bạn thư giãn cùng con cá Koi, hưởng thụ thành quả của mình. Ngồi cầm nắm cám, vẩy vẩy, … vẩy vẩy thêm cái nữa, trông bọn chúng có vẻ thờ ơ, hay chỉ liếc trộm nắm cám, bơi vòng vòng. Bạn vội vã mở smp lên FB “sao cá nhà em nhát thế”…

Tạo hóa phú cho cá Koi bản tính thân thiện và một số ít chỉ số IQ, bởi vì có ít chỉ số IQ nên con cá Koi biết cách đề phòng, biết cách sợ hãi những điều không đáng tin cậy, nhận ra sự thay đổi về môi trường. Cho nên nhận định con cá của bạn nhát là không đúng, nó đang không cảm thấy an toàn trong hồ của bạn (ngôi nhà của nó). Để con cá cảm thấy an toàn, bơi lội tung tăng, dạng người, trước tiên phải kiểm tra, cải thiện chất lượng nước, sau đó mới đến đồ ăn ngon, điều độ, và đặc biệt là hạn chế nghịch phá, thọt vợt vào hồ.

Thông thường với một hồ cá Koi ổn định, các KoiKichi thường cho ăn theo tỉ lệ từ 2-5% trọng lượng cơ thể cá, việc cho ăn bao nhiêu là tùy điều kiện mỗi người chơi. Dưới đây là bảng tra tham khảo trọng lượng cá theo kích thước. Từ đó sẽ tính ra lượng thức ăn cần thiết cho cá trong một ngày. Từ lượng thức ăn này, quay lại Bí kíp 2, bạn tính ra được lượng chất thải mà hệ thống lọc của bạn phải gánh trong một ngày, nếu cảm thấy hệ thống lọc của mình không đảm bảo được, bạn hãy chọn cho mình một tỉ lệ phù hợp, và đừng cố gắng vượt ra ngoài tỉ lệ đó, cái giá bạn phải trả sẽ không rẻ đâu.

Vệ sinh hệ thống lọc như thế nào cho đúng, không đơn thuần chỉ là hút xả cặn là xong đâu, làm không đúng cũng nguy hiểm lắm đấy. Khi thiết kế một hệ thống lọc tốt, bao giờ hồ chính, ngăn lắng, lọc, bơm cũng có thể “khóa nước” độc lập, việc khóa nước độc lập là để tránh cặn bẩn bị xới tung lên trong quá trình vệ sinh trôi sang ngăn khác. Như đã nói ở Bí kíp 2, lớp cặn bẩn lơ lững (TSS) sẽ lắng đọng ở đáy các ngăn (nhất là lắng), theo thời gian phân hủy sẽ tạo thành một lớp bùn vi sinh yếm khí, thải ra các loại chất cực độc, nên nhớ là cực độc cho cá là H2S, CH4… (nhiều nhiều người hít cũng ngữa bụng nhé). Khi vệ sinh hệ thống lọc, cần thiết phải “khóa nước” vệ sinh độc lập từng ngăn, xịt xả, cọ rửa phần đáy, (nếu đáy không sơn đen) rất dễ nhận biết khu vực nào của đáy lắng, lọc xuất hiện vùng có bùng yếm khí, đó là vùng đáy bị chuyển màu nâu đậm hoặc đen, có mùi thối và tanh. Khi phát hiện, tốt nhất nên xịt xả, cọ rửa và phơi ngăn lắng lọc một ngày (hồ trong nhà thì chịu khó bật quạt thổi trực tiếp), Ah mà quên, tủ thuốc hồ cá các bạn nên để sẵn một ít Vôi thủy sản, nếu có thì rắc đều phần đáy một lát cho thấm rồi vào nước là được, không cần phơi mất thời gian.

6. Phòng, chữa bệnh cho cá Koi

Phòng và chữa các loại bệnh cho cá đã có một bài viết riêng, chi tiết hơn, các bạn tìm và đọc. Tôi chỉ đề cập đến vấn đề thường hay gặp của người chơi, là thiếu hiểu biết về các biểu hiện của cá, không nhận định được căn bệnh của cá. Kèm theo là sự vội vã, hấp tấp, không chuẩn bị sẵn thuốc men, hệ thống cách ly.

Câu chuyện về một hồ cá Koi, con cá đầu tiên chết, biểu hiện của nấm mang, anh ấy không có sẵn hồ cách ly, cũng không có sẵn Chloramin T … sau khi thăm hỏi những người chơi khác, đập ngay vài kg muối vào hồ. OK, muối trong trường hợp này biện pháp tốt để chờ mua Chlotamin T. Sau vài giờ, không hiểu ai chỉ dẫn, anh ta đập thêm Malachite Green … Chính điều này đã thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách phòng bệnh và chữa bệnh, không nắm rõ được rằng Malachite Green không tác dụng khi có muối, và có thể gây tác dụng phụ, khi biết được điều đó, anh ấy hốt hoảng, vội vàng xả hồ thay nước ngay trong đêm. Mà không biết rằng thay nước trong đêm cũng là một việc làm rất mạo hiểm trong thời điểm hiện tại.

Hoặc với một thủ thuật đơn giản như cách ly, đánh muối khi cá có biểu hiện đỏ mình, bỏ ăn, nằm đáy … lại trở nên cực kì nguy hiểm, khi … thay vì thả cá vào hồ cánh ly trước rồi tăng muối từ từ cho con cá thích nghi,  thì một người chơi lại đánh đủ muối 5/1000 trong hồ cách ly rồi  mới bắt cá ra khỏi hồ chính, thả cá vào đó, tất nhiên hôm sau cá sẽ tuột nhớt và chết.

Trong thao tác đánh thuốc với hồ chính cũng vậy, ví dụ Chlotamin T là một loại thuốc cực độc, dạng bột, không hiểu vì vô tâm hay không biết, nhiều bạn cứ thảy ngay vào hồ chính, thuốc chưa hòa tan hoàn toàn trong nước, lơ lửng trong nước, trong lúc hô hấp, cá vô tình hút phải một lượng thuốc chưa tan … thì sẽ giật giật và chết ngay.

Khi một con cá Koi đang bị bệnh, một sự thay đổi bất lợi nhỏ của môi trường cũng khiến cho bệnh của nó nặng thêm. Có một anh lớn trong làng cá Koi đã từng nói ” Con cá Koi khi đã thích nghi được với hồ thì sẽ sống rất khỏe, sống rất dai, thường chỉ chết do chính tay người nuôi ” .

7. Tóm lại

Các Koi Kichi thường hay nói vui với nhau “Chơi cá là chơi nước”, đều đó là đương nhiên, con cá Koi lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường nước, vì vậy khi bạn muốn đem con cá Koi về nhà mình, hãy trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết về các vấn đề tôi đã đề cập ở trên, tôi biết chắc điều này chưa hẳn đã giúp bạn có một hồ cá Koi đẹp, nhưng chắc chắn những điều đó sẽ giúp bạn có một hồ cá Koi khỏe mạnh và thân thiện.

[Tác giả: Koi Kichi Hòn Đá – CTV Koi247 Blog]


Bài viết thuộc bản quyền Koi247 Blog, vui lòng không sao chép khi chưa có sự chấp thuận từ chúng tôi.

 

Hòn Đá
Hòn Đáhttps://www.koi247.com
Cộng tác viên Hòn Đá sinh sống tại Quảng Ngãi và là một Koi Kichi lâu năm, anh thường chia sẻ các bài viết DIY về các sản phẩm phục vụ hồ cá Koi như UPS, máy cho ăn, DIY hồ thùng nhựa v.v...

Read More

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here