Cho Koi ăn quá nhiều, từ thương thành hại

Author:

Category:

spot_img

Chào các bạn member Koi247 Blog, đây là bài đầu tiên của Tăng Văn Miền, mong các bạn đọc tham khảo và có điều gì bổ sung xin góp ý, chân thành cám ơn.

Bài viết này mình chủ yếu tập trung vào việc giúp người chơi hiểu và điều chỉnh lượng thức ăn hiện tại cho hợp lý, những vấn đề khác như: lọc, vi sinh, nhiệt độ, thời tiết…mình chỉ nói sơ qua để đảm bảo nội dung chính không bị loãng.

Ai chơi Koi mà không mong Koi của mình mau ăn chóng lớn, nhưng có nhất thiết phải cho ăn quá nhiều với suy nghĩ “ăn nhiều sẽ mau lớn”?. KHÔNG, việc cho Koi ăn quá nhiều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giết chết những chú Koi mà bạn đang mong chúng lớn lên từng ngày.

Về mặt sinh học, có thể nói Koi là loài không có bao từ vì cấu trúc bao tử của Koi không khác gì 1 đoạn ruột phình to vì quá trình hấp thụ thức ăn được diễn ra trong suốt quá trình thức ăn chạy qua ruột và sau đó được thải ra ngoài qua hậu môn.

Ảnh 1 – Cấu trúc cơ thể cá Koi.

Về mặt tập tính, Koi là loài ăn tạp, luôn luôn tìm kiếm thức ăn cho dù bụng đã đầy ắp thức ăn, nhưng bạn cần biết một điều là Koi cần 4 giờ để thật sự tiêu hóa hết thức ăn. Nếu thức ăn cứ liên tục được đưa vào, Koi sẽ thải thức ăn cũ và nạp thêm thức ăn mới, chính điều này sẽ làm ô nhiễm nước hồ vì chất thải của Koi lúc này hàm lượng đạm rất cao, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại phát triển, tấn công ngược lại và gây bệnh cho Koi.

Khi cho Koi ăn, nếu bạn để ý sẽ thấy lúc đầu Koi tranh nhau ăn rất sung và số thức ăn bạn vừa cho xuống hồ trong chưa đầy 3s đã chui hết vô bụng Koi, nhưng những đợt rải thức ăn sau Koi sẽ ăn chậm hơn, và khi cho ăn quá nhiều, Koi của bạn sẽ hờ hững với những viên thức ăn cho đến khi thức ăn đến thật gần chúng mới đớp và ăn, điều đó làm thức ăn tồn tại trong nước lâu hơn, lượng đạm hòa tan vào nước nhiều hơn và điều đó lại tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.

Lúc bắt đầu ăn, Koi sẽ tranh giành rất quyết liệt

Giải pháp: khi thấy Koi lơ là với thức ăn, lập tức vớt bỏ ra ngoài. Đừng vì tiếc hột thức ăn cao cấp mà đẩy bầy Koi vào nguy cơ bệnh tật. Và giảm lượng thức ăn cho lần sau, đó mới là cách tiết kiệm mà hiệu quả.

Với hồ mới, hệ vi sinh trong lọc chưa ổn định thì chỉ cần nhớt cá tiết ra hơi nhiều vì stress khi cá mới về cũng đủ để quá tải bộ lọc. Vậy thì còn gì tồi tệ hơn bằng cách cho Koi ăn quá sớm và quá nhiều. Lúc này Koi của bạn sẽ tuột nhớt, xếp vây, nằm đáy, vi khuẩn có hại sinh sôi với tốc độ chóng mặt và điều gì đến sẽ đến “sao cá em mới về mà abc, xyz…” chính bạn là tác nhân chính tạo ra sự tang thương đó chứ không phải Koi hay hệ lọc,chúng nó vô tội.

Ảnh 3 – Hồ Koi mới setup vật liệu lọc

Giải pháp: Với hồ mới, tốt nhất nên chạy hồ không tải (không có cá) trong 7-10 ngày, châm vi sinh với liều gấp đôi khuyến cáo. Còn nếu cá đã về rồi thì vẫn châm vi sinh liều gấp đôi, không cho ăn trong 7 ngày đầu, từ ngày thứ 8 đến ngày 10 cho ăn với lượng thức ăn bằng 1% tổng trọng lượng cá để hệ vi sinh đã hình thành có thức ăn để phát triển ổn định.

Một lợi thế rất lớn cho những bạn chơi Koi trong khu vực miền Nam là sự biến thiên nhiệt độ đều nằm trong mức không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến hệ tiêu hóa của Koi, nhưng mình cũng sẽ viết để những bạn ở khu vực khác hoặc đến một lúc nào đó ở trong Nam mình cũng có biến thiên nhiệt độ lớn thì nhớ mà áp dụng, khi nhiệt độ nước dưới 14 độ C hoặc trên 32 độ C, bộ máy tiêu hóa của Koi sẽ ngưng làm việc hoàn toàn, khi đó nếu bạn cho ăn, với tập tính trời cho, Koi vẫn sẽ ăn và thức ăn sẽ nằm lì trong bụng cho đến khi bị thiêu và Koi của bạn bơi ngửa.

Ảnh: Nhiệt độ nước ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa của Koi

Giải pháp: Khi nhiệt độ nước dưới 14 độ C hoặc trên 32 độ C, NGƯNG HOÀN TOÀN việc cho Koi ăn. Khi nhiệt độ nước từ 14 đến 17 độ C hoặc từ 30 đến 32 độ C, cho Koi ăn với lượng thức ăn bằng 1% tổng trọng lượng đàn. Khi nhiệt độ nước từ 18 đến 29 độ C, cho Koi ăn với lượng thức ăn bằng 2-3% tổng trọng lượng đàn, trường hợp bạn đã đầu tư một hệ lọc khủng có thể tăng lên mức 4-5% nhưng cần quan sát chất lượng nước, nếu có dấu hiệu của sự ô nhiễm cần giảm ngay lượng thức ăn.

Trong những ngày mưa, nếu hồ bạn lộ thiên và không có mái che, nước mưa có tính axit sẽ rơi trực tiếp vào hồ và làm thay đổi độ pH của nước một cách đột ngột, làm cá bị shock pH dẫn đến stress, giảm sức đề kháng. Lúc này nếu bạn cho Koi ăn, Koi sẽ rất dễ bệnh vì chỉ việc chống chịu lại sự thay đổi pH cũng đã đủ khiến Koi mệt mỏi, nay phải gánh thêm áp lực tiêu hóa thức ăn thì quả thực là rất khủng khiếp đối với sức chịu đựng của Koi và chắc ăn một điều là Koi của bạn sẽ rất dễ chết.

Giải pháp: Khi hồ bị mưa, tốt nhất nên dừng việc cho ăn trong vòng 1 đến 2 ngày để hệ lọc tập trung cho việc cân bằng nước, khi đã ổn định thì bắt đầu cho Koi ăn lại với liều lượng tăng dần từ 1% đến mức bình thường bạn cho ăn.

Khi hồ Koi bị mưa, cần cẩn trọng

Trên đây là những vấn đề về việc cho Koi ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của Koi, đặc biệt khi có sự góp sức của những yếu tố bên ngoài, Koi của bạn có thể sẽ ra đi vĩnh viễn. Vì thế, hãy cẩn thận trong việc cho Koi ăn. Một chuyên gia về Koi ở Nhật Bản từng nói “Một con Koi đói là một con Koi khỏe mạnh”.

Ảnh: Yoshikigoi – cân đối thức ăn và trọng lượng Koi

Tác giả Tăng Văn Miền – Koi Kichi đến từ Hậu Giang

Tác giả: Tăng Văn Miền – CTV Koi247 Blog

[Vui lòng không sao chép bài viết khi chưa có sự đồng ý của Koi247 Blog]

 

Read More

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here