Căn bệnh nguy hiểm nhất cho cá Koi

Author:

Category:

spot_img

KOI HÀNH KÝ

BÍ KÍP 3: CĂN BỆNH NGUY HIỂM NHẤT CHO CÁ KOI (tập 1)

😀 Nghe nói đến bệnh nguy hiểm, chắc hẳn các Koi Kichi nghĩ ngay đến bệnh Nấm mang (do virus KHV gây ra) với khả năng mang đến cái chết hàng loạt cho một hồ cá Koi với một thời gian ngắn trong sự bàng hoàng của Koi Kichi. Nhưng không, có một căn bệnh còn nguy hiểm hơn rất nhiều, căn bệnh này mang đến cái chết tức tưởi, chết hàng loạt như nạn diệt chủng, đó là bệnh thiếu hiểu biết của người chơi cá Koi. Căn bệnh này không phải nằm ở những người mới chơi, mà vẫn tồn tại trong số lượng lớn người đã chơi trong thời gian dài. Quá trình thiếu hiểu biết của người chơi cá Koi có thể không ngay hậu quả tức thì, nhưng kéo theo một quá trình lâu dài, dẫn đến phải ACP (All Clear pond).

Theo kinh nghiệm và thời gian tiếp xúc, theo dõi bài viết trong các trong mạng xã hội, tôi chia căn bệnh thiếu hiểu biết của các Koi Kichi thành 6 vấn đề chính:

1. Thiết kế, quản lý và vận hành hệ thống hồ cá Koi.

Dễ dàng nhận thấy, trào lưu nuôi cá Koi đang nở rộ ở khắp các tỉnh thành lớn nhỏ, từ huyện đảo Mũi Cà Mau đến Lũng Cú – Hà Giang, từ đảo Phú Quốc đến đỉnh Fansipan (Không biết ở Hoàng Sa, Trường Sa mấy anh có chơi được không :D). Hàng ngày dạo quanh các hội nhóm về cá Koi trên Facebook, sẽ thấy hàng tá những câu hỏi dạng như “Hồ abc, muốn nuôi cá Koi, phải xyz thế này được không” ,v.v …và v.v..

“Tôi là người mới chơi, tôi không biết !”

“OK, bạn là người mới chơi, bạn có quyền được đặt câu hỏi, nhưng trước tiên, bạn phải có kiến thức về cá Koi, cái nào gọi là hồ chính, cái nào là ngăn lắng, ngăn lọc, ngăn bơm, nước nó chảy từ đầu nào sang đầu nào v.v… Bạn phải định hướng cho mình một cái hồ phù hợp với điều kiện thực tế của mình, ví dụ như không thể nào xây một cái hồ 1-20 khối trên sân thượng một cái nhà 2 tầng xây được đã 20 năm :D. Hoặc lên gô gồ search ra một hệ thống hồ cá koi nào đó, rồi mang nó về đưa cho thợ thi công, nhưng liệu cái hệ thống đó có đúng chưa, có phù hợp chưa ?”

“Nhà tôi có điều kiện, tôi sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp xây hồ bơi để nuôi cá !”

“Oh, chúc mừng bạn, bạn là một số ít mà tôi gặp trong những người chơi cá Koi mà tôi gặp. Đơn vị thi công hồ cá chuyên nghiệp sẽ tư vấn, thi công cho bạn một cái hồ cá Koi bạn thật ưng ý. Bạn chỉ việc trả tiền, và bấm nút là nước chảy, bấm nút là cá ăn, bấm nút là thay nước. Bản thân tôi đánh giá, bạn không phải nuôi con cá Koi, mà đang chơi trò Bấm nút điều khiển, bạn chỉ biết khi bấm cái nút đó, thì nó sẽ như vậy, chứ không hiểu, chuyện gì đang vận hành bên trong đó.”

Việc thiết kế, thi công một hồ cá Koi  sẽ đòi hỏi kha khá tốn kém về kinh phí, công sức. Sự thiếu hiểu biết của người chơi trong bước đầu quan trọng này sẽ kéo theo quá trình dài vật lộn với cái hồ cá Koi hành. Và cái kết sẽ dẫn đến là “đập hồ”

2. Xem thường hệ thống dự phòng, hệ thống cách ly, tủ thuốc gia đình.

Tôi có một câu chuyện về một người anh, cùng chơi cá Koi với nhau, đầu tư ba bốn chục triệu để xây một cái hồ Koi “gọi là chơi cho thỏa mãn đam mê”, nhưng có 01 cái tank dưỡng cách ly 500L, thì không đầu tư được, vì “nó phí, chật nhà…”. Đến khi một con cá có dấu hiệu bệnh lý, phải đánh thuốc cả hồ, nhịn ăn cả đám, hồ cá Koi lúc nào cũng xanh xanh tím tím, có khi lại vàng khè toàn bọt..v.v

Kiểu tank dưỡng bằng bạt khung tháo ghép.

Rồi lại cái chuyện hệ thống dự phòng, ờ thì, đầu tư tốn kém, cả năm cúp điện một lần, cá người ta cúp điện vẫn bơi tung tăng có sao đâu. Thế rồi, cúp điện mới nữa ngày, cá đã trắng bụng. Hay cái bơm đang chạy, hư đột ngột, thế là phải đợi mua bơm, sủi khí chạy trong lọc, nước trong hồ không tuần hoàn, 1 đêm cá cũng ngữa bụng. Hệ thống dự phòng ở đây không hẳn mỗi chỉ hệ thống sủi khí khi cúp điện, mà nguyên tắc dự phòng, bao giờ cũng có 02 cái, 01 vận hành, 01 dự phòng. Bơm + sủi khí là 02 thiết bị quan trọng nhất trong hồ cá Koi, với người nuôi cá koi lúc nào cũng có sẵn trong nhà một bộ bơm + sủi khí dự trữ, công suất có thể nhỏ hơn cũng được. Và thỉ thoảng phải đem ra chạy thử xem còn hoạt động tốt hay không.

Hình: Thuốc Chloramine T chuyên trị nấm mang

Tủ thuốc gia đình, vẫn với suy nghĩ “Ôi, hồi nào bệnh thì mua thuốc, chứ mua chi để đầy nhà”. Dân gian thường có câu “nước tới chân mới nhảy” là đây, thuốc cho cá Koi đâu phải như cho con người, chạy ù ra đầu hẻm là có ngay 1 bịch các viên xanh đỏ. Thuốc cá Koi phải đi hỏi, chờ trả lời, chờ mua, chờ ship về … đến khi thuốc về đến tay thì chỉ biết hát bài ” Để lại sau lưng một nỗi đau ” …. (Một người quay lưng lặng lẽ đi, Người kia cứ khoé mi còn cay, Bỏ lại sau lưng ngàn xót xa, Lệ ai đã khóc cho tình xưa ….)

Việc xem thường hệ thống dự phòng, hệ thống cách ly, tủ thuốc gia đình trên tôi gặp ở rất và rất nhiều người nuôi cá Koi, cả những người đã nuôi cá Koi rất lâu, có khi là cái chết từ từ khi chờ thuốc, hay chết đột ngột và hàng loạt vì thiếu dưỡng khí, ngộ độc khí …

3. Quản lý chất lượng nước

Quản lý chất lượng nước như thế nào cho đúng? Không phải cứ trang bị một lô một lốc các loại thuốc thử để test các chỉ số Ph, NH3/NH4+, NO2, NO3, KH, TDS, DO .v.v.. là đã đủ.

Trước tiên phải quản lý được chất lượng nước đầu vào. Nước đầu vào không tốt thì dù có làm cách nào đi nữa thì nước trong hồ của bạn cũng không khá lên được. Một số Koi Kichi có quan điểm sai lầm cho rằng nước giếng tốt hơn nước máy vì nó là nguồn nước tự nhiên. Vâng, bởi vì nó tự nhiên nên nó cũng thay đổi theo mùa, theo ngày và đêm các chỉ số như PH, hàm lượng NH3/Nh4+ thì vô chừng, chưa kể đến việc nước ngầm có hàm lượng oxy DO rất thấp. Còn nước máy, ngoại trừ nước máy khu bạn sống không được xử lý kĩ càng, thì luôn có các chỉ số ổn định, Ph ~ 6,5-7 , DO 3-4 mg/L, NH3/NH4 vô cùng bé, bạn chỉ việc khử Clo khử trùng trong nước bằng cách sử dụng bồn chứa, sục oxy vài tiếng đồng hồ. Nếu nguồn nước tốt, có thể cho trực tiếp vào hồ mà không phải suy nghĩ.

Một phần của quy trình xử lý nước để thành nước sạch sinh hoạt

Quản lý nước còn bao gồm cả việc thay nước như thế nào cho đúng, như đã biết cá Koi là động vật đẳng nhiệt, phụ thuộc trực tiếp vào môi trường sống, sự thay đổi môi trường đột ngột có thể làm cá Koi stress, nhẹ thì liếc mình, đỏ mình, lờ đờ bỏ ăn, nặng thì tuột nhớt, phóng ra ngoài… Nên khi nước cần hạn chế thấp nhất sự thay đổi môi trường sống của con cá, đặc biệt là pH, nhiệt độ và DO.

Do đó, việc thay nước số lượng nhiều và vào ban đêm cực kì nguy hiểm, vì ban đêm là thời điểm pH của hồ dao động lớn, nhiệt độ giảm, DO giảm, việc cung cấp một lượng nước lớn không cùng chỉ số chất lượng sẽ làm con cá Koi bị stress. Và vì ban đêm nên chùng ta không thể theo dõi được cá biểu hiện bất thường của con cá Koi lúc đó, đến sáng khi phát hiện thì có khi đã hát bài “muộn màng khi em đi”  😀

( Chưa hết đâu, còn tập 2 nữa nhé 😀 )

4. Chọn mua cá, vận chuyển cá, thả cá mới

5. Cho cá ăn, chơi đùa với cá, vệ sinh hệ thống lọc

6. Phòng, chữa bệnh cho cá Koi

[Tác giả: Koi Kichi Hòn Đá – CTV Koi247 Blog]


Bài viết thuộc bản quyền Koi247.com, không sao chép khi chưa có sự chấp thuận của Koi247 Blog

Hòn Đá
Hòn Đáhttps://www.koi247.com
Cộng tác viên Hòn Đá sinh sống tại Quảng Ngãi và là một Koi Kichi lâu năm, anh thường chia sẻ các bài viết DIY về các sản phẩm phục vụ hồ cá Koi như UPS, máy cho ăn, DIY hồ thùng nhựa v.v...

Read More

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here