Đường ống cơ bản của một hồ cá Koi

0
7972

Bài viết này mình chia sẻ những cơ bản nhất của hệ thống ống cho một hồ cá Koi tương đối, không dám nói là chuẩn mực, nhưng đủ để hiểu và làm được cho một Koi Kichi mới bước chân vô con đường nghiện Koi.

Bài này mình viết riêng cho hồ xi măng xây gạch đinh hoặc hồ đổ bê-tông cốt thép nhé.

Đầu tiên nói sơ lược để chuẩn bị cho việc xây dựng một hồ cá Koi, các bạn cần tìm hiểu trước các vấn đề:

– Nền đất khu vực làm hồ. Độ lún của đất, nói chung nên tìm hiểu về địa chất. Đa phần là xây hồ tại nhà mình, nên điều này chắc chắn ai cũng hiểu về địa chất khu vực mình ở. Nhắc lại điều này để bạn biết và có sự bàn bạc với bên thi công phần xây dựng để có phương án an toàn lâu dài, chống lún, nứt…gây hỏng hồ sau này.

– Thiết kế cảnh quan và phong thủy (nếu có). Cần tìm hiểu sơ qua về 2 vấn đề này. Amateur thì có thể tham quan vài vòng các hồ của anh emtrong hội, hoặc xem trên mạng thấy gu nào hợp thì triển khai. Có điều kiện tài chính hơn thì thuê các bên dịch vụ Landscape họ lên phối cảnh 3D, có tính phí – hoặc có khả năng hơn nữa về tài chính thì mời các nghệ nhân sân vườn phác thảo và trọn gói thực hiện cho mình từ a đến z…

– Xác định mong muốn một hồ Koi theo phong cách nào? Thể tích hồ chính, hồ lọc? Phân bố diện tích…Về cảnh quan, là hồ dạng chìm kè đá sân vườn, hay hồ nổi v.v…

– Xác định kiểu công nghệ sẽ sử dụng cho hệ lọc: lọc cổ điển đơn giản hai ngăn hay ba ngăn? Có dùng bakki hay không? Kaldnes….tất tần tật các thứ…..Hoặc có điều kiện thì nghĩ tới Drum Filter, Sieve….tự động thay nước, vận hành automatic.

Sau công đoạn này – bạn sẽ phác thảo được cho mình một ý tưởng vẽ tay cho hồ Koi của mình, bắt đầu có thể đem hỏi thêm các Koi Kichi nhiều kinh nghiệm hơn hoặc úp lên diễn đàn để tìm sự trợ giúp, nếu muốn tự mình thực hiện mà không thuê bên đơn vị thi công chuyên nghiệp.

Người ta sẽ dễ hỗ trợ bạn hơn khi ý tưởng và mục đích của bạn rõ ràng. Còn đăng ở diễn đàn một câu đại loại “Em tính làm một hồ Koi mong anh chị hướng dẫn em cách làm hồ làm lọc, em xin cám ơn” thì chẳng ai giúp bạn được, vì người ta không hiểu bạn đang có gì, cần gì, muốn gì. Hoặc một plan không rõ ràng, đem hỏi mọi người kiểu kêu thầy bói mù xem voi, mỗi thứ mỗi nơi một ý kiến, thì bạn sẽ bị mất phương hướng.

Bài viết này mình sẽ nói về việc xây 1 hồ Koi cơ bản nhất, lọc cổ điển và đơn giản nhất dành cho nhập môn Koi Kichi.

Túm lại, vào đề, hồ KOi sẽ gồm có những đường ống chính yếu sau đây:

  • Hút đáy (Bottom Drain): Đường ống hút đáy thực hiện liên kết hồ chính và hồ lọc với nhau trên nguyên tắc bình thông nhau. Thông thường một hồ có một hoặc nhiều ống hút đáy tùy thuộc diện tích và bố trí hình dạng hồ. Lỗ rốn của hút đáy bên hồ chính là chỗ lõm nhất của “chảo” đáy hồ, nôm na là như vậy. Các bạn có thể coi hình để hiểu. Riêng nói về “lòng chảo” và độ dốc mình sẽ có một bài viết khác cụ thể chi tiết hơn.

28

Độ lõm của hút đáy. (Ảnh: Hình của tiền bối Khuong Van Doan)

  • Hút mặt: Hút mặt là một đường ống dễ thực hiện nhất. Có thể đâm ống ngang thành giữa hồ chính hồ lọc hoặc đi âm dưới thành qua. Vị trí miệng của hút mặt là mức dâng mực nước cao nhất (Over Flow) mà bạn mong muốn khi bơm vận hành. Do đó, bạn cần tính toán kỹ về độ cao mực nước hồ với thành bể để đặt ống. Một hồ Koi có thể có 1 hay nhiều hút mặt tùy thuộc vào hình dáng hồ và tính cách thiết kế hồ của mỗi người, có nhiều trường phái cho vấn đề này.

IMG 7105

Một hút mặt loại xẻ rãnh. (Ảnh: Koi247 chụp tại Hải Thanh Koi Farm Củ Chi)

  • Ống xả tràn (nước mưa): Nó như một hút mặt thứ hai, nhưng mực nước dâng đủ để tràn sẽ cao hơn mực nước của hồ khi bơm vận hành một chút, thường là 0,5-1cm. Thông thường sẽ chừa cái nối, khi vận hành chúng ta cắt điều chỉnh là dễ nhất.
  • Ống thông vách ngăn hồ lọc: Đơn giản là các ông thông vách để nước chảy từ ngăn này qua ngăn kia của hồ lọc. Việc đặt ống này phải có tính toán để tốc độ nước luân chuyển phù hợp công suất bơm tránh “hụt” nước các ngăn lẫn nhau quá nhiều.

5

Trong hình này là bố trí của một ngăn lắng. 3 ống bên phải gọi là ống thông ngăn, nước sẽ từ ngăn lắng này chảy qua ngăn lọc tiếp theo. (Ảnh: Hồ Koi do Koi247 thi công)

  • Ống thổi luồng (Jet): là hệ ống khó thực hiện nhất nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm thực hiện một hệ thống lọc cho hồ nào. Nó cũng tùy thuộc kích thước, hình dạng, độ sâu của mỗi hồ mà mỗi khác. Khi chưa có kinh nghiệm nhiều mà tự thực hiện việc xây hồ, tốt nhất bạn nên tham vấn kỹ với các Koi Kichi đi trước cho chắc chắn về điều này.

Koi pond schematic1

Trong ảnh này là ví dụ về thổi luồng cho một hồ dạng cong và có 4 hút đáy như trên. Mỗi hồ sẽ có một kiểu thổi luồng khác nhau tùy theo phong cách người chơi. (Ảnh: Google)

  • Ống thông đáy các ngăn xả vệ sinh hồ lọc: Các đường ống này cũng tương tự ống hút đáy hồ chính thông qua ngăn lắng hồ lọc, nó dựa trên nguyên tắc bình thông nhau. Thông thường là thông về ngăn lắng, hoặc nếu diện tích dư dả, người ta thường làm một ngăn “khô”, để xả hết về đây và từ đây đưa ra ngoài.
  • Ống cấp khí cho hồ chính hồ lọc: Thông thường ống cấp khí cho hồ chính và hồ lọc đi gom về một máy cấp khí. Tùy theo thiết kế của mối người, có thể có nhiều dạng bố trí vị trí trong hồ chính hoặc trong lọc. Đây là vấn đề phát sinh nhiều tranh cãi vì có nhiều trường phái khác nhau.
  • Ống xả của ngăn lắng (hoặc ngăn khô) để vệ sinh hồ: Đừng bao giờ quên đường ống này, nó được kết nối xả ra cống hoặc vườn nhà từ ngăn lắng hoặc ngăn khô. Có thể tự chảy hoặc dùng bơm. Nếu vườn nhà bạn rộng và có trồng cây, thì đây là nguồn nước xả dùng tưới cây rất tốt và một sự tiết kiệm mang ý nghĩa tích cực, ít bị vợ chửi vì…nuôi cá gì bơi qua bơi lại mà tốn kém quá…
  • Cuối cùng, để hiểu hơn bạn có thể xem Clip của Koi247 đã chuẩn bị sẵn.

[Tác giả: Phúc Toàn – CTV Koi247 Blog]


Bài viết thuộc bản quyền Koi247 Blog – Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức

BÌNH LUẬN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here